Đến với Lục Yên, du khách không chỉ được thưởng thức các sản phẩm đặc sản như: cam sành, vịt bầu, cá bỗng… mà khoai môn tím cũng được nhiều du khách lựa chọn làm quà mỗi khi đến mảnh đất này. Những năm qua, cây khoai môn tím được coi là một trong những cây trồng chủ lực và là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân Lục Yên.
Được trồng ở nhiều địa phương nhưng khoai môn trồng ở Lục Yên được đánh giá có chất lượng tốt, bùi, thơm và mang hương vị đậm đà rất riêng biệt. Khác với những giống khoai môn ở miền xuôi, khoai môn Lục Yên không hề kén đất, có khả năng chịu được hạn cao, ít bị sâu bệnh. Hàng năm, sau tết âm lịch, bà con người Tày, người Dao Lục Yên đặt mầm khoai.
Sau 9 tháng khi bắt đầu vào mùa đông, lá khoai đến độ vàng héo cũng là lúc người dân thu hoạch. Mỗi cây khoai môn chỉ cho một củ, củ nhỏ nặng chừng 6 – 7 lạng, củ to có thể lên tới gần 2kg. Khoai môn tím Lục Yên có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: khoai nấu canh xương, chè khoai môn, khoai môn chiên, bánh khoai môn… Món nào cũng toát lên được độ béo, dẻo, bở, bùi thơm với hương vị đặc trưng.
Khoai môn tím Lục Yên là loại nông sản chứa hàm lượng tinh bột cao, nhiều giá trị dinh dưỡng, được đánh giá cao về chất lượng và hương vị nên nhiều năm qua, giống khoai quý vùng đất Lục Yên được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn về làm thực phẩm và làm quà biếu. Được biết, giá trị của cây khoai môn rất lớn và là cây xóa đói giảm nghèo được trồng nhiều tại các xã ven Quốc lộ 70.
Bà Hoàng Thuyết Lập – Giám đốc Hợp tác xã Cam sành Lục Yên cho biết: “Hiện nay Hợp tác xã đang trồng 22 ha khoai tím, năng suất đạt khoảng 160-180 tạ/ha, với giá bán tại vườn 15.000 đồng/kg cũng cho thu nhập trên 5 tỷ đồng. Sản phẩm khoai môn tím của Hợp tác xã hiện đã có mặt tại 2 hệ thống siêu thị tại Hà Nội”.
Mặc dù cây khoai tím cho hiệu quả kinh tế cao nhưng hiện nay trình độ thâm canh cây khoai môn của người dân chưa cao, chủ yếu trồng theo kinh nghiệm; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung, liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp còn rời rạc; chưa có nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thiếu đồng bộ; mối liên kết giữa 4 nhà còn yếu, thiếu và lỏng lẻo, chưa đảm bảo lợi ích cho người sản xuất và doanh nghiệp. Nông dân ít có cơ hội được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật và vẫn còn chịu nhiều rủi ro trong sản xuất và thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Những năm gần đây, cây khoai môn tím huyện Lục Yên phát triển rất nhanh, tuy nhiên chủ yếu là tăng trưởng về diện tích để tăng sản lượng, trong khi sự kết nối giữa các tác nhân trong ngành hàng còn manh mún, nhỏ lẻ, các mối liên kết chưa thực sự bền vững.
Sản xuất và kinh doanh sản phẩm khoai môn tím Lục Yên vẫn mang nặng tính tự phát, sự liên kết giữa sản xuất – kinh doanh – chế biến – tiêu thụ chưa phát triển mạnh.
Vai trò của các bên trong liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Các doanh nghiệp thường dựa vào thương lái thu gom nông sản, chưa phát triển liên kết trực tiếp với nông dân; các cơ quan, tổ chức còn thụ động, chưa chủ động liên kết với doanh nghiệp và người sản xuất để thực hiện các hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân chưa thực sự tương xứng với lợi thế tiềm năng của vùng sản xuất.
Do vậy để phát huy hết tiềm năng của cây khoai môn tím Lục Yên, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững, góp phần phát triển ổn định kinh tế thì việc đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất và chế biến các sản phẩm từ khoai môn; tăng cường liên kết giữa nhà sản xuất với các nhà kinh doanh, nhà khoa học… là vấn đề vô cùng cần thiết nhất là khi sản phẩm khoai môn tím Lục Yên được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thông báo kết quả giám định không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.