Khi có dịp lên huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, du khách có thể thưởng thức món khoai môn (khoai tím) Lục Yên hầm xương lợn. Món ăn nhìn qua thấy bình dị, nhưng ăn rồi thì khó quên bởi vị bùi, béo, dẻo, bở và có mùi thơm riêng biệt của vùng miền mà không có thứ khoai nào có thể sánh được.
Khác với những giống khoai môn ở miền xuôi, chỉ ưa trồng trên đất ruộng, đất bãi giàu mùn, tơi xốp, khoai môn Lục Yên không hề kén đất, có khả năng chịu được hạn cao, ít bị sâu bệnh và có thể trồng xen với các loại cây khác. Hàng năm, sau Tết Âm lịch, bà con người Tày, người Dao, người Xá tại Lục Yên bắt đầu đặt mầm khoai trên nương và những hốc đất nơi núi đá. 9 tháng sau, vào đầu mùa đông, khi lá khoai đến độ vàng héo cũng là lúc bà con bước vào mùa thu hoạch. Mỗi cây khoai môn chỉ cho một củ cái, củ nhỏ nặng chừng 6 – 7 lạng, củ to có thể lên tới gần 2kg.
Khi có dịp thăm Yên Bái, du khách hãy lên huyện Lục Yên để thưởng thức các món ăn được làm từ khoai môn tím. Những món ăn nhìn qua thấy bình thường, nhưng ăn rồi thì khó quên vì nó là một trong những đặc sản của tỉnh Yên Bái.
Nguồn gốc của khoai tím Lục Yên
Tương truyền, giống khoai này xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi được du nhập về đất Lục Yên, trải qua thời gian dài được canh tác trên đất nương, do hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất này mà củ khoai nơi đây có được những hương vị đặc trưng riêng.
Theo chia sẻ từ người dân Lục Yên, trước đây, vào những năm đói kém, khoai môn từng là nguồn lương thực cứu đói cho nhiều hộ dân trong huyện. Đến nay, mặc dù đời sống kinh tế đã khá hơn nhưng củ khoai môn vẫn xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày của người dân bản xứ.