Tin tức

Khoai tím – Đặc sản của vùng đất Lục Yên

Thời điểm tiết thu sang cũng là lúc đến mùa dỡ củ. Giống khoai môn tím từ vỏ đến ruột phải trồng ở vùng đất Lục Yên, Yên Bái mới có vị ngon đặc trưng. Khoai tím Lục Yên cùng dòng khoai sọ nhưng đặc sắc hơn, vì có màu tím lạ mắt từ vỏ đến ruột, hoặc ruột trắng có nhiều chấm nhỏ màu tím. Do được hấp thụ không khí mát lành của núi rừng nên khoai có vị bùi, béo, dẻo, bở và có mùi thơm riêng biệt. Thứ khoai này trông mộc mạc nhưng ăn no cũng không thấy chán.

Mới nghe qua có vẻ bình dị, nhưng khi đã thưởng thức thì sẽ khiến du khách khó quên. Vị dẻo bùi, béo béo và mùi thơm đặc trưng của khoai môn nơi đây sẽ khó có thể tìm được ở một vùng nào khác.

Lục Yên là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Yên Bái, vốn được biết đến với nhiều loại nông sản chủ lực, trong đó có giống khoai môn tím thơm ngon trứ danh. Khoai môn Lục Yên (còn gọi là khoai tím, khoai mán, khoai sọ núi) vốn được trồng khá phổ biến tại nhiều vùng quê, song riêng thứ khoai trồng trên đất này lại được đánh giá cao về độ bùi, thơm, dẻo và có hương vị đậm đà nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Tuy có giá trị kinh tế nhưng nhiều năm qua, giống khoai tím Lục Yên được trồng chủ yếu theo kinh nghiệm, diện tích manh mún, nhỏ lẻ nên giá trị về hàng hóa chưa cao. Nhận thức được thực tế này, đồng thời muốn phát triển cây khoai môn theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm lớn có tính cạnh tranh cao trên thị trường, năm 2009, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh đã đề xuất với UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển khoai môn tại tỉnh Yên Bái theo hướng sản xuất hàng hóa”.

Điểm mới của dự án là xây dựng mô hình giống, thâm canh trên nhiều loại đất khác nhau như đất bãi chuyên trồng màu, đất bãi ven sông, đất ruộng một vụ không chủ động tưới tiêu… Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn một số huyện trong tỉnh những năm tới.

Khi trồng thêm một vụ cây vụ đông, hiệu quả kinh tế sẽ tăng cao bởi chỉ trồng thuần khoai môn đã cho thu nhập trên 70 triệu đồng một ha một vụ. Gắn liền với việc xây dựng các mô hình khoai môn là việc đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc thu hoạch, bảo quản cho các hộ nông dân. Đến nay, dự án đã tổ chức được 10 lớp đào tạo, tập huấn cho trên 300 lượt người. Qua các buổi tập huấn, bà con nông dân đã nắm vững được các yêu cầu kỹ thuật về sản xuất củ giống, thâm canh, bảo quản, sơ chế khoai môn.

Các tin liên quan